
1. Sàn giao dịch tín chỉ carbon là gì?
Sàn Giao Dịch Tín Chỉ Carbon là một nền tảng nơi các cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp có thể mua bán tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon là một loại chứng chỉ thể hiện một đơn vị CO2 đã được giảm thiểu hoặc loại bỏ khỏi khí quyển thông qua các hoạt động bảo vệ môi trường, như trồng rừng hoặc sử dụng công nghệ giảm phát thải.
Mục tiêu của các sàn giao dịch này là tạo ra cơ chế thị trường để khuyến khích các hoạt động giảm thiểu khí nhà kính, đồng thời giúp các doanh nghiệp đạt được các mục tiêu về giảm phát thải theo các cam kết quốc tế hoặc yêu cầu từ chính phủ.
Thông qua các sàn giao dịch tín chỉ carbon, các bên có thể mua tín chỉ từ các dự án môi trường hoặc bán các tín chỉ họ tạo ra từ hoạt động giảm phát thải của mình.
2. Các loại thị trường tín chỉ carbon hiện nay
- Thị trường carbon bắt buộc (mandatory carbon market): Là thị trường mà việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) nhằm đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Thị trường này mang tính bắt buộc và chủ yếu dành cho các dự án trong Cơ chế phát triển bền vững (SDM), cơ chế phát triển sạch (CDM), hoặc đồng thực hiện (JI).
- Thị trường carbon tự nguyện: Không chịu sự quản lý của chính phủ. Các tổ chức, công ty, quốc gia sẽ xác định các tiêu chuẩn để đảm bảo tính toàn vẹn của tín chỉ carbon đang được giao dịch cũng như xác minh các dự án và cung cấp chứng nhận. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch với cơ sở tự nguyện nhằm đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) để giảm dấu chân carbon.
3. Lợi ích của sàn giao dịch tín chỉ carbon
- Tạo sự kết nối bền vững giữa các doanh nghiệp: Các sàn giao dịch đem đến sự kết nối giữa người mua và người bán trên thị trường. Vì vậy, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có thể dễ dàng tìm kiếm đối tác để tối đa hoá các giao dịch trên thị trường.
- Kiểm soát giao dịch dễ dàng: Sàn giao dịch tín chỉ carbon hỗ trợ các cơ quan chức năng kiểm soát, quản lý các giao dịch mua, bán tín chỉ từ đó làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, quản lý cũng như đề ra mục tiêu, kế hoạch triển khai các dự án giảm phát thải khí nhà kính.
- Khuyến khích hướng tới kinh tế xanh bền vững: Giao dịch mua bán tín chỉ carbon tại sàn giúp các doanh nghiệp có thêm một phần lợi nhuận, khuyến khích doanh nghiệp giảm lượng phát thải và không ngừng đổi mới công nghệ. Qua đó, hướng đến nền kinh tế xanh bền vững, từng bước đạt được các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính hướng tới Net Zero.
- Nâng cao vị thế và tính cạnh tranh: Khi tham gia sàn giao dịch tín chỉ carbon, doanh nghiệp có thể gián tiếp nâng cao vị thế và tính cạnh tranh bởi: Doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lợi nhuận, tích cực thúc đẩy phát triển các công nghệ hạn chế phát thải carbon ra môi trường, hướng đến mục tiêu sản xuất bền vững, hiệu quả gắn với lợi ích xã hội.
4. Hiện trạng sàn tín chỉ carbon của Việt Nam
Việt Nam được xem là một trong những nước có tiềm năng cao phát triển sàn giao dịch tín chỉ carbon. Riêng ngành nông nghiệp có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, tương đương 57 triệu tấn CO2 được hấp thụ. Hiện tại, thị trường chứng chỉ carbon tại Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và bước đầu xây dựng cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu giảm thiểu phát thải và cam kết bảo vệ môi trường. Cùng hưởng ứng cho sự sôi động của thị trường tín chỉ carbon trên thế giới Việt Nam đã có những bước tiến để phát triển và mở rộng quy mô của thị trường này:
- Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các chính sách hỗ trợ việc giảm phát thải và thúc đẩy các dự án bảo vệ môi trường, như Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg về chương trình giảm phát thải khí nhà kính quốc gia. Tuy nhiên, các chính sách cụ thể về sàn giao dịch tín chỉ carbon vẫn chưa được hoàn thiện hoàn toàn.
Một số dự án giảm phát thải, như trồng rừng, năng lượng tái tạo, và các sáng kiến bảo vệ môi trường khác, đang được triển khai. Những dự án này tạo ra tín chỉ carbon có thể được bán hoặc giao dịch để giảm thiểu tác động của khí thải.
Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt trong các ngành công nghiệp nặng và năng lượng, đã bắt đầu quan tâm đến việc tham gia vào thị trường carbon. Các doanh nghiệp này muốn đạt được các mục tiêu về phát thải carbon, đồng thời tận dụng cơ hội từ thị trường tín chỉ carbon quốc tế.